Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2009

Chùa Cổ Lễ sự hòa nhập kiến trúc cổ Việt Nam và châu Âu



ĐSCT) Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định) thờ Phật nhưng lại có dáng dấp một thánh đường Thiên Chúa giáo. Ngôi tháp Cửu Phẩm Liên Hoa nằm trước cổng chùa được xây dựng năm 1926 - 1927, có 8 mặt, 12 tầng, cao 32m. Đế tháp được đặt trên lưng một con rùa lớn, đầu quay vào trong chùa. Con rùa nằm giữa một hồ nước hình vuông, xung quanh có 4 hòn giả sơn khá lớn nằm ở 4 góc, bên cạnh có 4 con voi to bằng voi thật. Tháp có cầu thang 98 bậc xoắn ốc lên đến đỉnh. Tương truyền rằng tín đồ phật tử, khách hành hương lên đến bậc thứ 98 này, sờ tay vào bức tượng trên đỉnh tháp thì cuộc sống sẽ luôn gặp may mắn.Từ ngôi tháp, đi qua một chiếc cầu cong ba nhịp, mặt cầu lát gạch là tới một tòa nhà gọi là Phật giáo Hội quán. Bên trái hội quán là đền thờ Trần Hưng Đạo và hai tiến sĩ họ Đào người làng Cổ Lễ là Bảng nhãn Đào Sư Mỗ và Tiến sĩ đệ tam giáp Đào Toàn Mỗ. Gần đó là đền thờ Bà chúa Liễu Hạnh.Từ hội quán, qua hai chiếc cầu có mái che là đến chính điện. Chính điện được thiết kế theo kiến trúc hài hòa giữa phong cách truyền thống và hiện đại. Trong chùa có tượng Phật sơn son thiếp vàng bằng gỗ cao 4m đặt ở trên tầng cao phải đi theo những cầu thang nhiều bậc ở hai bên mới lên đến nơi. Ở giữa sân chùa có một chuông đồng lớn đặt trên gò đất hình vuông. Chuông cao 4,2m, đường kính 2,2m, thành dày 8cm, nặng 9 tấn, thành chuông dày 8cm. Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Nho. Chuông này chưa được đánh lần nào nhưng dân gian truyền miệng khi đánh lên thì cả tỉnh và một vài vùng lân cận sẽ nghe được tiếng ngân của chiếc đại hồng chung này. Đây là một trong những chuông lớn nhất ở Việt Nam. Nhân dân quanh vùng vì yêu mến chùa mà quyên tiền đúc tặng. Trong quá trình đúc chuông, nhiều người đã tháo cả nhẫn, vòng, vàng hòa tan trong đó. Khi chuông vừa đúc xong thì kháng chiến bùng nổ, nhân dân trong vùng đề phòng sự phá hoại của giặc đã đem ngâm chuông xuống một cái ao. Đến năm 1954, chuông mới được trục vớt và đặt trên bệ đá cho du khách tham quan từ đó đến nay. Trong chùa còn có một chiếc trống bằng đồng, một quả chuông đúc năm 1799 và những chiếc thuyền dùng để bơi thi.Chùa Cổ Lễ là sự kết hợp tinh hoa giữa kiến trúc cổ truyền Việt Nam với các yếu tố của phong cách kiến trúc phương Tây, vì lẽ đó mà ngôi chùa trở thành một danh lam nổi tiếng ở vùng đồng bằng sông Hồng.
Hoàng Lưu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét