Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2009

Dễ và khó


Dễ là khi bạn có một chỗ trong sổ địa chỉ của một người. Nhưng khó là khi bạn tìm được một chỗ trong trái tim của người đó.
Dễ là khi đánh giá lối lầm của người khác, nhưng khó là khi nhận ra sai lầm của chính mình.
Dễ là khi nói mà không suy nghĩ, nhưng khó là khi biết kiểm soát những lời nói của mình.
Dễ là khi làm tổn thương một người bạn mà bạn yêu thương, nhưng khó là khi hàn gắn vết thương đó.
Dễ là khi tha thứ cho người khác nhưng khó là khi làm cho người khác tha thứ cho mình.
Dễ là khi đặt ra các nguyên tắc nhưng khó là khi làm theo chúng.
Dễ là khi nằm mơ hàng đêm nhưng khó là khi chiến đấu vì một ước mơ.
Dễ là khi thể hiện chiến thắng, nhưng khó là khi nhìn nhận một thất bại.
Dễ là khi vấp phải một hòn đá và ngã, nhưng khó là khi đứng dậy và đi tiếp.
Dễ là khi hứa một điều vớia ai đó nhưng khó là khi hoàn thành lời hứa đó.
Dễ là khi chúng ta nói rằng chúng ta yêu thương nhưng khó là khi làm cho ngưoif khác cảm thấy như thế hàng ngày.
Dễ là khi phê bình người khác nhưng khó là khi cải thiện chính bản thân mình.
Dễ là khi nhận ra sai lầm nhưng khó là khi học từ những sai lầm đó.
Dễ là khi buồn bực vì một điều gì đó mất đi nhưng khó là khi quan tâm đủ đến điều đó để đừng làm mất.
Dễ là khi nghĩ về một việc nhưng khó là khi ngừng suy nghĩ và bắt đầu hành động.
Dễ là khi nghĩ xấu về người khác nhưng khó là khi cho họ niềm tin.
Dễ là khi nhận nhưng khó là khi cho.
Dễ là khi đọc được những điều này nhưng khó là khi bạn thực hiện nó.
Nếu cơ hội mãi không gõ cửa, bạn phải xem mình đã xây một cánh cử chưa đã…
Bạn không phải là người hoàn hảo nên bạn cũng có những sai lầm. Nếu bạn tha thứ những sai lầm của người khác đối với bạn, bạn cũng sẽ được hưởng những người khác tha thứ những sai lầm của bạn.

- First News -

Thư gửi mẹ của cô tân sinh viên


Tp.HCM, ngày…tháng…năm…

Mẹ ơi! Vậy là con đã xa nhà, xa mẹ, xa đàn gà, xa những người hàng xóm thân yêu…Con nhớ lắm! Đêm con nằm ở phòng trong KTX, con khóc. Con biết như vậy là không nên nhưng con vẫn không sao ngăn được dòng nước mắt. Con đã tự nhủ với lòng mình rằng: Hãy vững vàng lên! Dù xa xôi nhưng hình bóng mẹ vẫn luôn trong tim con, nâng đỡ con. Con cũng biết mẹ nhớ và thương con nhiều lắm. Nhưng mẹ đừng lo lắng gì mẹ nhé. Đứa con gái bé bỏng ngày nào của mẹ giờ đã là sinh viên rồi đấy. Con thật tự hào và vui sướng khi cất lên hai tiếng đó. Chắc chắn con sẽ cố gắng thật nhiều, sẽ không phụ lòng mong mỏi của mẹ đâu.
Ôi! Lần đầu tiên xa nhà. Lần đầu tiên con háo hức bước chân vào cổng trường đại học. Bao nhiêu là mới mẻ mẹ ạ. Trên con đường đến trường, con cảm thấy nắng như trong hơn, gió mát hơn, hòa quyện cùng những bước chân tíu tít của các bạn cùng trang lứa đang sánh với con trên giảng đường đại học. Những người thầy, người cô rồi đây sẽ dìu dắt chúng con học tập và nghiên cứu. Trong tim con những nốt nhạc ngân vang xao xuyến.
Xin gửi về mẹ lòng quyết tâm đầy háo hức của con!

Tp.HCM, ngày…tháng…năm…

Buổi chiều nay trời đổ mưa. Ngồi trong phòng KTX nhìn ra ngoài lòng con lại cồn cào nhớ mẹ. Con tự hỏi: Không biết giờ này mẹ làm gì? Mẹ đang tất tả ra đồng hay bắc nồi cám lợn? Nghĩ thế trong con lại dâng trào nỗi thương mẹ.
Mẹ biết không! Con đã quen bạn, quen trường. Lớp học của con đông vui có cả trai cả gái, cả Bắc Trung Nam, cả miền ngược miền xuôi. Nhiều gương mặt khác nhau, nhiều giọng nói khác nhau nhưng đều chung một ước mơ, một khao khát hiểu biết, mẹ ạ! Tụi con cũng bầu ra lớp trưởng, lớp phó, bí thư Đoàn TN…Những bài giảng đầu tiên còn mới lạ nhưng con sẽ dần thích nghi được thôi.
Mẹ ơi! Đàn gà, đàn lợn đã lớn chưa mẹ? Mùa thu hoạch lúa năm nay không có con phụ giúp chắc chắn mẹ sẽ vất vả nhiều. Nhưng dù thế nào mẹ cũng không được làm quá sức đâu. Ở đây, con hứa sẽ chăm lo học tốt, ăn tiêu phù hợp nên mẹ đừng lo lắng nhiều mẹ nhé!

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2009

Bánh gai Nam Định

Bánh gai thành Nam ăn ngon và dẻo. Vị ngon xuất phát từ bột nếp trộn bột lá gai thơm lừng, từ nhân đỗ xanh bùi lựng.
Từ xưa, Nam Ðịnh vẫn có truyền thống làm bánh gai, lá gai ngay Cầu Ốc cũng có nhiều nhà trồng. Cách ăn cũng nghệ thuật. Bánh bóc làm sao khỏi dính lá, khi ăn sao cho khỏi rơi nhân.
Người Thành Nam trước đây biết đến bánh gai Cầu Ốc, xã Lộc Hòa, thành phố Nam Định. Bánh gai Cầu Ốc đặc biệt hơn là nhân được làm bằng hột bàng và gói bằng lá chuối ngự khô. Bánh gai Cầu Ốc ngọt, bùi, thơm mùi lá gai, béo ngậy của hạt bàng.
Còn từ khoảng cuối năm 1978 trở lại đây, “Bánh gai Bà Thi” trở thành phổ biến, nổi tiếng. Bà thi là người Nam Định nhưng sống ở Sài Gòn, đến ngày đất nước giải phóng, bà trở lại thành Nam, mang theo công thức làm bánh gai từ Sài Gòn ra. Bà Thi không trực tiếp làm bánh gai mà truyền công thức cho anh Bình Xuăn (ở phố Hoàng Ngân) – người quen cũ – rồi bà nhận bánh ở đây đi bán trên đường Trần Hưng Đạo.
Lá gai phải đặt mua từ tháng 3 tháng 4. Chọn lá gai không sâu hỏng, rửa sạch phơi khô, tước gân đi, nghiền nhỏ thành bột, cho vào túi vải ninh ba, bốn giờ (càng lâu càng tốt) để làm mất chất chát của lá gai. Nếp phải chọn nếp hương hoặc nếp tháng 3, đãi sạch nghiền nhỏ mịn, sờ mát tay, không gợn. Trộng bột lá gai nguyên chất với bột nếp hương và đường vàng để làm vỏ bánh. Đỗ xanh phải chọn hạt đều, không sâu mọt đem ngâm vào nước ấm, đãi sách vỏ rồi đem đồ chín. Hạt sen cũng chọn hạt nguyên, không bị sâu, đem nấu chín hoặc có thể lấy mứt sem làm nhân bánh. Cùi dừa nạo nhỏ, đem xào với đường kính trắng. Vừng trắng đãi sạch vỏ, rang thơm. Các thứ đó trộn lẫn vào nhau cho thêm ít dầu ăn để làm nhân bánh. Đặc biệt lá chuối để gói bánh phải là lá chuối ngự khô, mua ở các xã Nhân Hậu, Nhân Tiến, Vĩnh Trụ của Lý Nhân – Hà Nam. Lá chuối ngự thường mềm, dai có chất lụa gói đẹp. Nếu dùng lá chuối goòng (chuối tây) gói bánh thường bị gãy và có chất chát ngấm vào bánh, làm giảm chất lượng bánh. Sau khi đã gói bánh, dùng sợi đay và cói (đã nhuộm đỏ) để buộc bánh. Cho bánh vào nồi hấp từ 2,5 đến 3 giờ, ủ bánh vào thùng giữ nhiệt để bánh đến với người ăn lúc ấm nóng, thơm ngon. Tuyệt đối không luộc bánh vì khi luộc bánh sẽ giảm chất dinh dưỡng có trong các tinh bột. Trọng lượng của bánh khi hấp chín thường từ 100g đến 200g. Bánh chín mở ra vuông vắn, màu đen tuyền, thơm mùi lá gai và nếp hương nguyên chất./.
(Nguồn Địa chí Nam Định)

CỔ LỄ - NGÔI CHÙA MANG DÁNG DẤP THÁNH ĐƯỜNG



Thành phố Nam Định qua cầu Treo khoảng 15km là đến thị trấn Cổ Lễ nhỏ xinh nằm giữa cánh đồng lúa xanh bát ngát. Thị trấn êm ả lâu đời này được biết đến nhiều là nhờ ngôi chùa cùng mang tên Cổ Lễ, một trong những ngôi chùa lớn và đẹp nhất miền Bắc, có kiến trúc đặc sắc và còn sở hữu quả chuông lớn nhất Việt Nam.
Du khách đi từ xa đã thấy chùa vừa uy nghiêm vừa ấm áp, gần gũi với những mái ngói rêu phong ẩn hiện dưới bóng cổ thụ xanh rì. Những kiến trúc ban đầu được xây bằng gỗ từ thế kỷ XII bởi thiền sư Minh Không, người đã có công đúc An Nam tứ khí (tượng Quỳnh Lâm, chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên, vạc Phổ Minh) đã không còn tồn tại.
Chùa Cổ Lễ hiện nay được xây dựng vào năm 1920 bằng những vật liệu truyền thống gồm gạch và vữa làm từ vôi, mật mía, giấy bản. Chùa là một quần thể kiến trúc có bố cục tiêu biểu cho chùa miền Bắc từ tam quan, tháp, chùa chính, hội quán, nhà tổ, đền thờ. Sự bố trí khéo léo giữa các kiến trúc và khoảng sân vườn làm người ta có cảm giác chùa rộng lớn hơn diện tích thực.
Đứng ở góc nào nhìn lên cũng thấy mái cong, khối tháp cổ kính trầm mặc giữa những tán cây xanh mướt đầy sức sống. Bên cạnh hai điện thờ là hai cây gạo có trăm năm tuổi đời, tán cây đã gần ôm trọn được tòa nhà cổ kính. Cứ đến tháng Ba, giữa nền trời xanh ngắt, hoa gạo nở đỏ rực trên màu ngói nâu tạo nên vẻ đẹp chỉ có ở một ngôi chùa xứ Bắc.
Niềm tự hào lớn của chùa Cổ Lễ là quả chuông cao 4,2m, nặng 9 tấn, miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước. Nhiều cụ già ở đây còn kể lại rằng vào năm 1936, trong lúc nấu đồng đúc chuông, một số người dân đã tháo trang sức bằng vàng, bạc đang đeo thả vào dòng kim loại nóng chảy.
Điều làm nên nét độc đáo của chùa Cổ Lễ là chính điện có cấu trúc mái vòm theo kiến trúc gothique nên tòa nhà này trông phảng phất dáng vẻ của một giáo đường Thiên chúa. Kiến thức rộng lớn, khả năng sáng tạo và tinh thần cởi mở của hòa thượng Phạm Quang Tuyên, người thiết kế nên ngôi chùa này thật đáng để hậu thế ngưỡng mộ.
Ngoài ra, chùa còn có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa 12 tầng đặt trên lưng một con rùa lớn. Con rùa nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn giả sơn có đắp bốn con voi kích thước tương đương với voi thật. Tháp cao 32m, có tám mặt, các cạnh tháp đều đắp hình rồng, mái cong rất tinh xảo. Trong lòng tháp có 62 bậc theo đường xoáy trôn ốc dẫn lên bàn thờ Phật đặt trên đỉnh.
Từ trên đỉnh tháp nhìn xuống sẽ thấy những cánh đồng lúa như tấm lụa xanh dài vô tận. Thấp thoáng phía đằng xa, thành Nam nhỏ bé như bàn tay. Một chiếc cầu cong ba nhịp nối liền khu tháp với một tòa kiến trúc mái vòm cao là Phật giáo hội quán. Bên trái hội quán là dãy nhà thờ Trần Hưng Đạo, gần đó là đền thờ Bà Liễu Hạnh. Trong mùi hương trầm thoang thoảng, tiếng mõ đều đều, tiếng đọc kinh ngân nga văng vẳng, đây quả là nơi di dưỡng tinh thần không chỉ dành riêng cho những người mộ đạo.
Hàng năm, từ 13 đến 16 tháng 9 Âm lịch, hội chùa Cổ Lễ lại được tổ chức tưng bừng với rất nhiều trò chơi dân gian vui nhộn. Hấp dẫn nhất là cuộc thi bơi thuyền truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa luôn làm náo nức cả thôn xóm. Đây cũng là một trong những hội chùa nổi tiếng khắp miền Bắc với những hoạt động văn hóa cổ truyền như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người... Đối với nhiều người dân trong vùng, hội chùa Cổ Lễ chính là cái Tết thứ hai trong năm.